Khe Lim (Quảng Nam) – Bức tranh thơ mộng hữu tình

“Ngó lên đỉnh núi Khe Lim/ Thác bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu”. Nhiều du khách đã nương theo câu ca dao “day dứt” ấy tìm về xứ Đại. Từ thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) đi về phía tây khoảng 20km là đến Khe Lim.

Núi rừng như tấm thảm nhung êm ái ru người trong tiếng thác nước “rơi” ầm ào giữa đất trời lộng gió. Khe Lim được bắt nguồn trên đỉnh núi Am Thông với độ cao 882m. Có dòng nước rộng 20m đổ xuống ngày đêm không ngừng nghỉ. Nhìn từ xa, dòng thác như dải lụa trắng đung đưa trước gió. Những tảng đá lớn, nhỏ, xếp chồng lên nhau, đón làn nước trong vắt, tung hứng những tia bọt trắng xóa giữa tiếng reo ầm ầm. Cánh rừng nguyên sinh xanh mượt, tươi mát tỏa thơm ngát hương hoa rừng dọc hai bên bờ suối. Xa xa phía nam thêm dãy núi cao, cùng những đồi nhấp nhô ở phía tây bắc tạo nên bức tranh thơ mộng hữu tình.

Không như những cái tên mỹ miều Suối Tiên hay Thác Mơ, người dân Đại Lộc đặt tên cho con suối quê mình mộc mạc như tấm lòng của họ. Khe Lim là khe suối có nhiều cây lim sinh trưởng. Quanh vùng này xưa kia còn có rất nhiều khe suối khác như Khe Hoa, Khe Dâu, Nguồn Cha, Nguồn Mẹ. Mỗi cái tên được gắn liền với tài nguyên nơi đó hoặc một truyền thuyết dân gian cho dễ nhớ, dễ đọc. Và tục truyền rằng, ngày xưa trên đỉnh thác có một ngôi chùa với nhiều giai thoại huyền bí về các nhà sư. Các cụ già còn kể, các sư nghe được tiếng nói của Khe Lim. Cũng với tiếng rầm rầm, ồ ồ từ con suối mà các sư biết ngày mai trời mưa hay nắng…

Đến Khe Lim, du khách không chỉ thưởng ngoạn mà còn tìm về chốn hoang sơ để trải buồn vui./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Đình Chèm – Ngôi đình cổ nhất Việt Nam

Đình Chèm thuộc làng Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là ngôi đình cổ nhất Việt Nam, có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đình thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm).

Về Đình Chèm

Theo thần phả, Lý Ông Trọng – Đức Thánh Chèm, sinh ở làng Chèm vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Ông là người có công đánh tan quân xâm lược nhà Tần dưới thời Thục An Dương Vương.

Đến đời Đường, đền thờ ông được tạo lập ngay tại nền nhà cũ. Về sau, nhân dân xây đình và tôn ông làm Thành hoàng của làng để thờ tại đình.

Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu: Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, qui, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18). Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ vợ chồng ông Trọng và các tượng chầu. Tổng thể được xếp theo trục hoàng đạo Đông, Bắc, Tây, Nam.

Tại đình còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; bốn bia đá, một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm bia thời Nguyễn; hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.

Tại khuôn viên Đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh (nhà Nguyễn) năm 1824. Ngoài ra trong đình còn rất nhiều đồ thờ các loại đều có giá trị nghệ thuật cao như chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm.

Đình Chèm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và xây thêm như hậu cung làm năm 1621, tam quan sửa lại năm 1773 và các lần trùng tu, sửa chữa đình vào các năm 1792, 1797, 1885, 1903 và 1913.

Đình Chèm nằm cạnh sông Hồng. Vào năm 1903, đình được nâng lên cao thêm 2,4m chỉ bằng các phương tiện thủ công. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp được nâng lên cao ngang với mặt đê sông Hồng khi đó.

Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hội làng Chèm

Nhắc đến hội Chèm, ca dao có câu:

“Thứ nhất là hội Cổ Loa

Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm”

Hội Chèm diễn ra từ ngày 14-16/5 âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày hội chính. Hội Chèm diễn ra trang trọng với cuộc rước nước, rước mã, rước văn, lễ mộc dục (tắm tượng thánh), lễ phát tấu (cúng Phật). Lễ rước nước là trang trọng nhất.

Những người mặc y phục cổ truyền, sau khi tập kết trước cửa đình, hành hương xuống ba chiếc thuyền lớn xuôi theo sông Hồng tới Thác Bạc cạnh đền Âm hồn, rồi quay lại trước cửa đình. Quãng đường đi về khoảng 4km. Tại cửa sông diễn ra nghi thức lấy nước, ba chiếc thuyền quay ba vòng để một lão nông lấy gáo đồng múc nước trong cho vào đôn cổ. Tiếng trống, tiếng reo hò, cờ bay phấp phới cùng tiếng hô “ù éo” vang dội mặt sông trên đê.

Lấy nước xong, đoàn thuyền về Nhà Mã cách cổng đền 1km lên Bến Ngự rồi một cuộc diễu hành rầm rộ với các đoàn Phù Giá, Thủ Hiệu, Gươm Sai, Lịch Triều, Kiệu Đức Ông, Kiệu Đức Bà, Huyền Sư, Quan Viên, Chức Sắc, các bà vãi.

Nhịp trống, nhịp chiêng dồn dập. Các em nhỏ múa sênh tiền rất vui mắt. Đám rước dừng lại trước sân đình đợi làm lễ Mộc dục. Lễ rước Văn tế tiến hành vào chiều tối. Văn tế đặt ở Long Đình rước từ nhà ông trưởng văn ra đình. Trong ngõ, bên đường, cạnh đê, dân làng bầy mâm cúng, hương trầm tỏa thơm. Nhà sư làm lễ phát tấu, diễn xướng kể lại công đức của Lý Ông Trọng và cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng.

Hội Chèm cho đến nay vẫn duy trì các trò chơi dân gian như bơi chải, kéo co, thả diều, thả chim bồ câu. Riêng thi bơi trải là đặc sắc. Bài ca dao cổ năm 1921 ghi:

“Ba dân mở hội tháng Năm

Mười hai hạ chải, hôm rằm bơi thi.

Ba dân đánh trống chỉ huy

Thuyền nào đạt nhất, cờ thì có mào.

Cả Thuyết đứng mũi chịu sào,

Hai Dương đánh mõ, Trương Giao phất cờ.

Lái Hành khéo lượn thủy cơ,

Dân ta đâu có được cờ mà tranh…”

“Ba dân” được đề cập ở đây là ba làng gồm làng Chèm (Thụy Phương) và hai làng kết chạ là làng Hoàng (Hoàng Xá) và làng Mạc (Liên Mạc)./.

Đăng tải tại Thắng cảnh Miền Bắc | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Đình làng Phú Lâm: Di tích lịch sử – văn hóa của Phan Thiết

Từ đầu đường ĐT-719 đi về hướng xã Tiến Thành khoảng bốn trăm mét, sẽ nhìn thấy đình làng Phú Lâm khiêm tốn tọa lạc trên sườn đồi cát phía bên phải đường thuộc thôn Tiến Thạnh (Tiến Lợi – Phan Thiết).

Đình làng Phú Lâm trước năm 1975 thuộc về xã Phú Lâm, quận Hàm Thuận. Từ sau năm 1975, qua thời gian nâng cấp mở rộng các địa bàn, xã Phú Lâm trở thành xã Hàm Mỹ thuộc huyện Hàm Thuận Nam, và khi qua nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính của thành phố Phan Thiết, thì phần đất có đình làng Phú Lâm lại thuộc về xã Tiến Lợi như ngày nay. Theo tài liệu cổ cho thấy: Đình làng Phú Lâm được tạo dựng từ đầu thế kỷ XIX để thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tập dân chúng khai hoang mở đất lập làng. Tương truyền, ông Chánh Thành là người có công quy tụ dân cư rất yêu nước thương dân và có tinh thần chống giặc ngoại xâm nên ông đã bị thực dân Pháp bắt và xử tội bêu đầu tại đình làng Phú Lâm, còn phần thân được bà con chôn bên Phú Hội, sau đó người dân đã đón phần đầu của ông về quy tụ với phần thân. Sau nhiều lần phân chia địa giới hành chính, hiện nay phần mộ của Tiền hiền làng Phú Lâm vẫn còn trên địa phận thôn Phong Phú A (Hàm Mỹ – HTN).

Do ảnh hưởng chiến tranh và tác động môi trường, các hạng mục kiến trúc của đình làng Phú Lâm không còn bảo lưu nguyên vẹn như khi mới tạo dựng, hiện chỉ còn giữ nguyên kiểu dáng, kết cấu và vật liệu kiến trúc dân gian như từ lúc khởi dựng của hai hạng mục chính là chính điện và gian thờ Tiền hiền. Đồng thời, đình làng vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu Hán Nôm quý, đặc biệt là năm sắc phong của các vua triều Nguyễn từ đời Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân đến Khải Định ban tặng. Ngoài ra, còn có sáu hoành phi và sáu câu đối ở gian thờ Tiền hiền, hai hoành phi và hai câu đối ở gian chính điện, sáu khám thờ và sáu hương án được tạo tác bằng gỗ quý. Một số hiện vật và đồ tế tự khác hiện vẫn còn lưu giữ như trống, mõ, chân đèn, lư hương…

Hằng năm, đình làng Phú Lâm diễn ra hai kỳ lễ hội chính là lễ hội tế Xuân (15 – 17 tháng 2 âm lịch) và lễ hội tế Thu (16 – 17 tháng 8 âm lịch). Lễ hội thu hút đông đảo bà con không chỉ trong làng mà còn ở các vùng lân cận. Những người đến dự đều thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn các bậc tiền bối đã có công khai hoang mở đất lập làng. Sau lễ, là những trò diễn dân gian vui vẻ.

Trải qua gần hai thế kỷ với biết bao thăng trầm của đất nước qua chiến tranh cũng như phong hóa theo thời gian, một vài hạng mục kiến trúc của đình đã bị phá hủy bởi chiến tranh như nhà võ ca, cổng chính, cột cờ, bình phong. Nguyên trạng kiến trúc ngôi đình không còn, song đình làng Phú Lâm vẫn lưu giữ dáng vẻ vốn có của một công trình kiến trúc dân gian thế kỷ XIX uy nghi và trang nghiêm. Với cách bố trí gian thờ, họa tiết trang trí nội ngoại thất, nội dung thờ phụng cùng các nghi lễ diễn ra hằng năm ở đây đã thể hiện rõ chức năng tín ngưỡng tâm linh. Và nhân dịp lễ tế Xuân mới đây, đình làng Phú Lâm vừa tổ chức trọng thể lễ đón nhận bảng xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa đình làng Phú Lâm do UBND tỉnh Bình Thuận công nhận theo Quyết định số 2599 ngày 5/12/2011./.

Đăng tải tại Thắng cảnh Miền Trung | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Khu di tích Ðền Hùng, một quần thể kiến trúc tín ngưỡng linh thiêng và độc đáo

Hướng đến ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, khu di tích lịch sử Ðền Hùng (Phú Thọ) đón hàng chục nghìn lượt khách hành hương và du khách mỗi ngày về dâng hương và tham quan, du lịch.

Mang ý nghĩa di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, khu di tích Ðền Hùng còn là một quần thể kiến trúc và tín ngưỡng độc đáo, thể hiện bản sắc dân tộc và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao dựng nước của Tổ tiên người Việt.

Khu di tích Ðền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất Phong Châu cổ, nay là địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, một vùng đất bán sơn địa, chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có cảnh quan đa dạng, vừa có rừng núi, đồi gò, vừa có đồng ruộng, sông ngòi, ao hồ phong phú. Theo tương truyền, núi Nghĩa Lĩnh, nơi đặt đền, còn gọi là núi Cả hay núi Hùng, là ngọn núi cao nhất trong vùng (cao 175m), là nơi Vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng thường tiến hành các nghi thức tín ngưỡng cầu cho mưa thuận, gió hòa. Từ xa nhìn lại, núi như đầu một con rồng lớn đang uốn lượn trong mây trời và những đồi núi chung quanh như đàn voi đang chầu về đất Tổ. Không phải bỗng dưng Vua Hùng lại chọn vùng đất này để định đô, dựng nước, bởi nơi đây hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi muôn cây, vạn vật đều chầu về và lòng người thuận theo như câu đối ở ngay cổng chính của Ðền đã ghi lại: Mở lối đắp nền bốn mặt non sông qui một mối/Lên cao nhìn rộng, núi đồi trùng điệp tựa cháu con. Có lẽ cũng vì vậy nên hàng nghìn đời nay, cảnh sắc thiên nhiên Ðền Hùng vẫn rạng rỡ và huyền ảo như bức tranh thủy mặc cuốn hút.

Ðiểm bắt đầu của Khu di tích Ðền Hùng là Ðại môn (cổng Ðền Hùng) dưới chân núi Nghĩa Lĩnh được xây dựng vào năm 1917 với kiến trúc hình vòm cuốn, gồm hai tầng tám mái, trang trí rồng, phía trên có đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên cổng có hai cột trụ, phía trên đỉnh có đắp nổi hai con nghê chầu. Giữa tầng một của cổng có bức đại tự: Cao sơn cảnh hành (lên núi cao nhìn xa rộng). Leo dọc con đường với 225 bậc đá ven theo triền núi, du khách lên Ðền Hạ và chùa Thiên Quang. Ngôi đền do dân làng Vi Cương, xã Chu Hóa (nay là thị trấn Hùng Sơn) huyện Lâm Thao xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17 – 18) mà theo truyền thuyết là nơi Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng nở thành trăm người con. Ba ban thờ chính trong hậu cung đều có bài vị thờ đặt giữa Long ngai ghi rõ: Ðột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương thánh vị, Ất Sơn thánh vương thánh vị và Viễn Sơn thánh vương thánh vị. Cỗ Long ngai thứ tư thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là con gái Vua Hùng thứ 18. Chùa Thiên Quang được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ 13-14). Chùa có quả chuông nặng gần một tấn, ba tấm bia đá ghi công đức và các việc trùng tu sửa đường lên núi Hùng và bài ký ghi lại việc trùng tu chùa Thiên Quang từ năm 1844 đến 1850.

Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới Ðền Trung ở lưng chừng núi có tên chữ là “Hùng Vương Tổ Miếu” mà theo huyền sử là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng họp bàn việc nước và ngắm cảnh núi non kỳ thú. Theo nhiều chuyên gia sử học và khảo cổ, đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14. Tuy nhiên, đền bị giặc Minh xâm lược phá hủy vào thế kỷ 15. Sau khi hết giặc, nhân dân trong vùng đã cùng chung tay xây dựng lại nơi thờ phụng Tổ tiên. Ðền được đầu tư trùng tu, tôn tạo vào các năm 1988 và 2009 khang trang, rộng rãi hơn.

Ðền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là “Kính Thiên lĩnh điện” (Ðiện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Theo sử sách và lưu truyền dân gian, đây là nơi Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh… Bản Ngọc phả Hùng Vương có tên gọi: “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc Phả cổ truyền” viết rằng: Vương phục lập cửu trùng thiên điện ư Nghĩa Lĩnh sơn thượng, dĩ vi Kính thiên lĩnh điện (nghĩa là: Vua lập cửu trùng thiên điện trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh làm điện Kính thiên, tức điện thờ Trời). Trải qua các triều đại, Ðền Thượng luôn luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nhất là vào thời nhà Nguyễn.

Bên trái Ðền Thượng là Lăng Vua Hùng, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu. Lăng có kiến trúc hình vuông, ba cửa vòm quay theo ba mặt bắc, đông, nam. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính); phía trên ba mặt đều có đề Hùng Vương Lăng (lăng Vua Hùng). Khu di tích còn có cột đá thề của Thục Phán dựng lên sau khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi báu, để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước và đời đời hương khói trông nom nơi thờ tự các Vua Hùng. Từ Ðền Thượng đi xuống có Ðền Giếng, tên chữ là “Ngọc Tỉnh” ở phía đông nam chân núi, nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa có công dạy dân trồng lúa, trị thủy. Trong hậu cung của đền hiện vẫn còn một giếng nước hình tròn, được gọi là Giếng Ngọc, nước trong mát quanh năm mà theo dân gian là nơi hai công chúa thường soi gương, chải tóc. Chính tại Ðền Giếng, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên Phong và giao nhiệm vụ cho đơn vị tiếp quản Thủ đô sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ và căn dặn: Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Ngày nay, Khu di tích Ðền Hùng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục công trình tương xứng vị thế của một vùng đất Tổ, nơi thờ cúng các Vua Hùng và những bậc tiền hiền dựng nước, một điểm hành hương của những người con đất Việt, một điểm đến cuốn hút và linh thiêng của du lịch tín ngưỡng, văn hóa và lịch sử./.

Đăng tải tại Thắng cảnh Miền Bắc, Thắng cảnh Miền Nam | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Kỳ vỹ núi Ông, thác Bà (Bình Thuận)

Rẽ trái thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh), chúng tôi đến với khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Ông, nơi có ngọn thác Bà nổi tiếng. Trước mắt tôi, cánh rừng ngút ngàn trải rộng. Rừng nơi đây được bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt, từng cây gỗ dù nhỏ, lớn đều được kiểm kê gắn bảng ghi tên.

Đã rất lâu rồi tôi mới tìm được cái cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng pha chút u tịch giữa tứ bề rừng xanh rợp bóng.

Cánh rừng nguyên sinh trải rộng dưới chân Núi Ông. Ngọn núi hùng vĩ cao trên 1.300m, nằm cuối dãy Trường Sơn với hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Riêng Khu bảo tồn Núi Ông có diện tích rừng trên 23 nghìn ha chiếm 91% diện tích, với 332 loài thực vật trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như gõ đỏ Afzelia xylocarpa, trắc Dalbergia bariensis… cùng với những sản vật rừng giá trị như trầm hương, kỳ nam… Động vật trong khu bảo tồn được ghi nhận có 52 loài thú, 96 loài chim, 21 loài bò sát, 7 loài ếch nhái và 22 loài cá, trong đó có những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu như Vọoc vá chân đen, Vượn đen má hung…

Với người dân Tánh Linh, Núi Ông và Thác Bà ẩn chứa nhiều huyền bí đan xen những truyền thuyết ly kỳ.

Chuyện rằng, xưa rất xưa trên đỉnh núi Ông có cặp vợ chồng yêu nhau thắm thiết, một hôm chồng rời núi đến nhà bạn đánh cờ. Ván cờ kéo dài trong sự mỏi mòn đợi chờ của người vợ, chờ đến khi tóc trắng như mây rồi cô đơn chết hóa thành dòng thác. Cờ tàn cuộc, người chồng về, quá thương nhớ vợ nên chết theo và hóa thành Núi Ông để mãi mãi được ôm ấp người vợ hiền chung thủy.

Cũng có truyền thuyết cho rằng ở dãy núi Ông có con Bạch Tượng cổ đeo vòng ngọc với cặp ngà dài cong vút. Người ta đồn, ấy là voi của Chúa Nguyễn Ánh bỏ lại khi bị quân Tây Sơn truy kích. Những người đi tìm trầm còn kể lại, họ đã nhìn thấy một thanh bảo kiếm cắm sâu trên vách núi. Hư thực ra sao chưa rõ, nhưng điều chắc chắn trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ , trên đường chạy trốn quân Tây Sơn, tàn quân Nguyễn Ánh đang lúc sức cùng lực tận, gặp phải vùng đất phì nhiêu rộng hàng ngàn ha, Nguyễn Ánh đã cho quân dừng lại khai khẩn cấy cày, lấy lương thực nuôi binh chờ ngày phục hận. Từ đó cánh đồng có tên “đồng Gia Long”. Mãi đến khoảng năm 1959 khi dinh điền Huy Khiêm được khai mở. Cánh đồng nghìn mẫu được chính quyền Ngô đình Diệm đặt lại tên “Đồng nghìn mẫu Trần Lệ Xuân”.

Gần hơn, trong cuộc chiến vệ quốc kéo dài 20 năm, rừng núi Ông trở thành cứ địa của quân giải phóng. Nơi đây,đâu đó vẫn còn lưu lại những dấu tích của một thời oanh liệt và cả hài cốt của những người lính nằm lại mà đồng đội chưa tìm ra.

Buổi sáng tiếng vượn hú, chim kêu, tiếng côn trùng rã rích hòa cùng tiếng gió reo, thác đổ tạo thành bản hòa âm bất tận. Thong dong dạo bước dưới rừng, tôi tìm về ngày xưa trong cánh hoa rừng còn rưng rưng sương sớm, trong tiếng lá rơi, tiếng chim chóc chuyền cành. Tôi thả mắt nhìn trời qua kẻ lá. Khung trời dĩ vãng. Vậy thôi, chả có mục đích gì ngoài nỗi nhớ vu vơ xa ngái.

Rừng đã vậy, thác Bà ở đây còn kỳ vĩ hơn. Chín ngọn thác cao vòi vọi chồng lên nhau rót từ đỉnh núi Ông xuống chia thành 3 tầng, xa trông giống như dãi lụa trắng. Dưới chân thác, tiếng suối róc rách nhẹ như mây. Màu trời lơ lững trôi bâng khuâng trên bóng nước. Tôi như bước vào thế giới khác hẳn, bước vào bức tranh sơn thủy hữu tình. Ở đó có những nàng tiên nô đùa bên suối vắng, có cô sơn nữ hái hoa rừng thả trôi theo dòng nước, có cụ già tóc trắng phơ ôm cần chờ đợi, những chàng trai da sạm nắng ngồi nhắp rượu nồng bên bếp lửa reo vui.

Vâng, thác Bà, núi Ông là vậy, hoang vu và bí ẩn, kỳ vĩ và nên thơ. Một lần đến ra về nghe bâng khuâng nỗi nhớ./.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Núi Mỏ Neo – Khu vườn sinh thái đa dạng tỉnh Hà Giang

Vườn sinh thái đa dạng sinh học núi Mỏ neo thuộc thị xã Hà Giang với khu phục hồi sinh thái có tổng diện tích là 176,5ha, khu hành chính dịch vụ, vườn ươm, bảo tồn gen có diện tích là 20,5ha và khu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng có tổng diện tích là 330,47ha.

Khu vực này bao gồm nhiều dãy núi có độ cao tuyệt đối tại đỉnh cao nhất là 770,8m so với mặt nước biển, địa hình chia cắt mạnh, nhiều nơi có dộ dốc lớn, nhiều đỉnh tạo ra nhiều vùng địa hình khác nhau, nhiều hang động, khe vách núi hiểm trở xen lẫn với những vùng đất bằng phẳng. Toàn bộ địa hình được che phủ bởi các loài thực vật lá rộng Á nhiệt đới của vùng núi dát đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, giá trị khoa học và đa dạng sinh học.

Đứng bên dòng sông Lô, núi Mỏ Neo kỳ vĩ sáng rực trong nắng chiều rất đẹp, có một vài áng mây màu trắng sữa lững lờ trôi trong cảnh thanh bình.

Đăng tải tại Thắng cảnh Miền Bắc | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Đền Tam Giang (Phú Thọ) – Di tích lịch sử cấp quốc gia

Đền Tam Giang thuộc địa phận phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nằm tĩnh lặng bên dòng sông Lô cuồn cuộn. Vào giữa thế kỷ VII, đền là một đạo quán Thông Thánh để tưởng nhớ tổ tiên và tôn thờ các anh hùng gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Lịch sử ghi lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vào ngày Tết Thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần năm 1287. Để bày tỏ lòng biết ơn công lao của vị anh hùng dân tộc, người dân nơi đây đã tôn thờ ông trong đền Tam Giang.

Xuất phát từ tín ngưỡng Tam Phủ – một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ, trong đền Tam Giang thờ các nữ thần tự nhiên như: Mẫu Thoải – cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn – cai quản núi rừng, Mẫu Cửu Trùng – cai quản bầu trời. Bên cạnh đó, trong đền còn thờ một nhân vật lịch sử huyền thoại Vũ phụ Trung dực Uy Hiển Vương – húy là Thổ Lệnh – được người dân coi như thần làng, thần sông Bạch Hạc. Tôn kính, bái vọng các vị thần linh đó, dân làng Bạch Hạc khát vọng và mong muốn có một cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Sau bao thế kỷ bị thời gian và chiến tranh bào mòn, tàn phá, đền Tam Giang đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo mới có được vóc dáng và kiến trúc đẹp lỗng lẫy như ngày nay. Nằm trong khuôn viên rộng hơn 1000m2, ngôi đền ở vị trí đắc địa, phía trên là trời mây thoáng đãng, xung quanh là non nước bao la và phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Ngôi đền quay ra sông, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh – nơi thờ các đức Quốc tổ Hùng Vương. Với lối kiến trúc kiểu chữ “đinh”, đền gồm hai tòa tiền tế và hậu cung, nhà 4 mái, đao cong, có hai tòa tiền tế và hậu cung, nội thất chạm các bộ tứ quý như “long, ly, quy, phượng”, “tùng, trúc, cúc, mai”, các nét chạm trổ hết sức tinh tế toát lên vẻ đẹp linh thiêng, hoàn mỹ.

Trong đền Tam Giang có một chuông đồng “Thông Thánh quán chung ký” có niên đại Minh Mệnh năm thứ 11 và các bài minh chuông như: Thác bản chuông “Phụng Thái Thanh Từ” niên đại Gia Long năm thứ 17, “Thông Thánh Quán” niên đại Đại Khánh thứ 8, đời vua Trần Minh Tông. Đây là nguồn tư liệu lịch sử quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần.

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, đền Tam Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2010.

Đăng tải tại Thắng cảnh Miền Bắc | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Vân Hải Linh Từ – Điểm du lịch văn hóa, tâm linh của Vân Đồn (Quảng Ninh)

Nằm thuận lợi trên tuyến đường tham quan du lịch, đền thờ vua Lý Anh Tông (Vân Đồn) không chỉ có giá trị văn hoá, lịch sử to lớn mà còn mang vẻ đẹp cảnh quan “sơn thuỷ hữu tình”, là tiềm năng phát triển du lịch văn hoá tâm linh của huyện Vân Đồn.

Toạ lạc tại núi Cái Rồng, gần khu cầu cảng Cái Rồng (thuộc thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn), đền thờ vua Lý Anh Tông (hay Vân Hải linh từ) là di tích – danh thắng thờ vị hoàng đế Lý Anh Tông, có công khai sinh ra trang Vân Đồn TK XII. Vân Hải linh từ có từ lâu, được xây dựng từ năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 (năm 1172).

Theo sử sách, Hoàng đế Lý Anh Tông (sinh tháng 4/1136) là con trai trưởng của vua Lý Thần Tông. Ngay từ trẻ ông đã đến thăm Vân Đồn, vi hành thị sát tình hình, đời sống người dân. Khi vua đến dân mượn núi rồng mẹ để lập đài đón tiếp. Và chính ông là người lập ra thương cảng Vân Đồn nổi tiếng năm 1149, phát huy thế mạnh giao thương, phát triển vùng biển đảo trù phú, sầm uất trong một thời gian dài. Tương truyền, khi vua rời Vân Đồn, dân đã giữ nguyên nơi vua ngự tiếp dân làm kỷ niệm, tưởng nhớ công ơn của vua. Lý Anh Tông là một trong những vị vua nhà Lý được truyền tụng là rất linh thiêng. Chuyện kể về trường hợp xuất hiện đám mây lạ “Bát đế vân du” nổi tiếng tại Đền Đô, Bắc Ninh cách đây khoảng hơn 10 năm là vào đúng ngày giỗ kỵ của ông là một ví dụ. Ngày nay đền cũng thu hút đông đảo người dân địa phương, khách thập phương tới chiêm bái. Với những giá trị lịch sử, văn hoá to lớn đó, đền thờ vua Lý Anh Tông cùng với động Đông Trong đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2007 (theo quyết định 4426/QĐ-UBND).

Nhằm phát huy những giá trị đó, nay đền đã được chính quyền, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm góp sức tôn tạo đẹp đẽ. Đền được tôn tạo lại khang trang, bề thế trên nền cũ triền núi phía Tây, phía đông có lầu nghênh phong. Đền có thế tọa sơn ỷ dốc đón thủy mạch để trị long khí, lấy dãy đồi xa phía tây thị trấn làm án. Khuôn viên của đền có vách núi uốn cong, thế tay long cao và dài liên tục, tay hổ thấp và ngắn. Đền có tầm nhìn phóng khoáng, cảnh quan hữu tình. Nay được xây lại công phu, lát đá xanh Thanh Hoá, trần gỗ, sơn son thiếp vàng… Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục được đầu tư tôn tạo các hạng mục, xây sân rộng phía trước nối liền với đường giao thông thuận lợi cho du khách tham quan.

Nằm trong hệ thống di tích – danh thắng trên địa bàn thị trấn, đây là tuyến hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh, sinh thái: tham quan đền, động Đông Trong và tuyến du lịch biển đảo, thế mạnh của Vân Đồn./.

Đăng tải tại Thắng cảnh Miền Bắc | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Vẻ đẹp làng chài trên đảo Cát Bà

Cát Bà là hòn đảo lớn nhất trong số 366 hòn đảo thuộc miền Bắc Việt Nam, bao gồm cả quần đảo trong vịnh Hạ Long. Trong khi phần lớn các đảo chính của vịnh Hạ Long đều không có người sinh sống thì đảo Cát Bà lại có một vài làng chài đang phát triển nhanh chóng.

Ngoại trừ một số vùng đất màu mỡ, địa hình quá nhiều đá trên đảo không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Do đó, hầu hết cư dân ở đây đều kiếm sống từ biển, một số khác mưu sinh bằng du lịch.

Có khoảng 13.000 cư dân sống trên đảo Cát Bà và 4.000 người sinh sống trực tiếp trên các làng chài nổi ở ngoài khơi. Phần lớn cư dân tập trung chủ yếu tại thị trấn Cát Bà nằm ở mũi phía nam của đảo và là trung tâm thương mại trên đảo. Từ năm 1997, thị trấn Cát Bà đã phát triển mạnh mẽ và đã trở thành một trung tâm du lịch đảo lớn. Cuộc sống của ngư dân đã có nhiều cải thiện đáng kể trong suốt thập kỷ qua bởi hòn đảo đã trở thành điểm đến yêu thích vào mùa hè của cả khách du lịch trong nước và quốc tế.

Năm 1986, gần một nửa diện tích đảo Cát Bà (đảo Cát Bà rộng 354km²) và 90km² vùng biển lân cận đã được quy hoạch thành một công viên quốc gia để bảo vệ sự đa dạng của hệ thống sinh thái trên đảo. Chúng bao gồm các khu rừng cận nhiệt đới trên đồi, rừng đầm lầy nước ngọt, rừng ngập mặn ven biển, các vùng nước ngọt nhỏ có và các rạn san hô. Hầu hết các bờ biển đều có nhiều vách đá nhưng có một vài bãi biển có cát nằm ẩn trong các vịnh nhỏ.

Vẻ đẹp tự nhiên của đảo Cát Bà đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường trước mắt. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh của ngành du lịch, săn bắn bất hợp pháp, đánh bắt quá mức và ô nhiễm nước từ vịnh Hạ Long đã đe dọa sự toàn vẹn sinh thái và đa dạng sinh học của đảo, làm giảm và phân mảnh môi trường sống tự nhiên của nhiều loài sinh vật ở Cát Bà.

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này

Độc đáo nghệ thuật kiến trúc Đình Xám (Nam Định)

Đình Xám, thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang (Nam Trực) được xây dựng cách đây hơn 10 thế kỷ, là di tích thờ Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công (tên thật là Trần Lãm) – người đã góp công lớn cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Sinh thời Thượng tướng quân Trần Minh Công có qua thôn Lạc Đạo, thấy phong cảnh hữu tình, dân cư thuần phác bèn lập sinh từ, giúp nhân dân địa phương khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã. Ông mất tại thôn Lạc Đạo, được nhân dân an táng tại xứ Đồng Xâm. Nhà vua cảm kích công lao to lớn của ông đã cấp tiền để tu sửa lại nơi thờ tự, sai dân sở tại phụng thờ, hằng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự “Quốc đô Thành hoàng”.

Thời Lý, Đình Xám được mở rộng quy mô với nhiều nét kiến trúc độc đáo và hoa văn đa dạng. Khu di tích gồm ngôi đình chính ở phía trong, hai dãy tả hữu và đình đằng trước để làm nơi hội họp việc làng và nơi tổ chức các cuộc thi hát. Ngôi đình chính được xây hai lớp theo kiểu chữ nhị, mỗi lớp có năm gian. Công trình làm toàn bằng gỗ lim lợp ngói nam. Nhà tiền tế đứng vững bởi một bộ khung gỗ vững chắc, sáu vì kèo làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, đứng vững chắc trên bốn hàng cột. Các mảng chạm khắc ở trên các vì kèo là những mảng chấm phá, tạo nên sự hoàn chỉnh của không gian bên trong. Năm gian chính cung được xây nối liền, giáp mái với nhà tiền tế. Ở đây, những đường lượn, những cụm vân mây, những hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu xà đã dung hòa được sự đơn điệu của những đường ngang dọc trong kiến trúc. Điểm tập trung sự chú ý nhất là những mảng chạm khắc ở phía ngoài của 6 cây cột và 5 ô cửa tiền đường. Ở ô cửa giữa có chạm đôi rồng chầu và nhiều rồng con với nhiều dáng, thế khác nhau cùng với những con vật dân gian như nai, khỉ… và nhiều hoa lá cách điệu. Hai ô cửa hai bên và ngoài cùng, hình tượng chạm khắc chủ yếu là rồng đan xen những con thú như khỉ, nai, chim… Thiên nhiên và loài vật hòa nhập, quấn quýt bên nhau với từng nét bong kênh, chạm thủng, tỉa tách thật cầu kỳ và bằng một lối đục phá phóng khoáng làm cả bức chạm trở nên sống động.

Tại ngôi đình này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn với các bước thăng trầm của đất nước: những cuộc mít tinh của nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; những cuộc họp bí mật của cấp ủy Đảng trong kháng chiến; những buổi tiễn đưa con em địa phương gia nhập bộ đội, thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược…

Đình Xám được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng năm 1964. Những năm gần đây được Nhà nước hỗ trợ và sự đóng góp của nhân dân địa phương, Đình Xám từng bước được tu bổ, thu hút ngày càng nhiều khách thập phương đến tham quan, nhất là vào dịp tổ chức hội truyền thống của địa phương vào các ngày 17, 18, 19 tháng 8 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội Đình Xám có tế, lễ, rước, bơi chải, múa rối nước, bơi lội, vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người, thi hát ca trù, chầu văn, hát chèo tại đình…

Đăng tải tại Uncategorized | Thẻ , , , | Bình luận về bài viết này